Trong môi trường làm việc cũng như cuộc sống hàng ngày, chắc hẳn chúng ta không ít lần tiếp xúc với những người có hai đặc điểm tính cách đối lập nhau kiểu như: Lúc thì tỏ ra e dè, nhút nhát; lúc khác lại tỏ ra mạnh mẽ, thống trị. Những điều này sẽ được giải đáp thông qua mô hình DISC của nhà tâm lý học Walter Vernon Clarke với 4 nhóm tính cách điển hình. Bạn có tò mò về kết quả bài test DISC của mình không? Cùng tìm hiểu nhé.
DISC là gì?
DISC là từ viết tắt của 4 đặc điểm tính cách gồm Dominance (Thống trị), Influence (Ảnh hưởng), Steadiness (Kiên định) và Conscientiousness (Tận tâm). Trong đó:
– D: Chính xác, dứt khoát và có định hướng. Những người này có xu hướng độc lập và chú trọng nhiều tới kết quả. Họ là những người có ý chí mạnh mẽ, thích thử thách, hành động và mong muốn đạt được kết quả ngay lập tức;
– I: Lạc quan và hướng ngoại. Những người này có xu hướng giao tiếp xã hội cao. Họ thích tham gia vào các hội nhóm để được chia sẻ suy nghĩ và tiếp thêm năng lượng cho những người khác;
– S: Đồng cảm và hợp tác. Những người này có xu hướng trở thành đồng đội tốt, vì họ thích làm việc sau hậu trường để hỗ trợ và giúp đỡ những người khác. Họ cũng là những người biết lắng nghe và luôn tìm cách hạn chế xung đột;
– C: Quan tâm, Thận trọng & Chính xác. Những người này thường tập trung vào chi tiết và chất lượng. Họ luôn lên kế hoạch trước khi hành động, liên tục kiểm tra độ chính xác và luôn đặt ra câu hỏi “làm thế nào”/“tại sao”.
Chúng ta có thể áp dụng mô hình DISC trong giao tiếp để biết được người đối diện thuộc nhóm tính cách nào thông qua việc quan sát hành vi của họ. Điều này sẽ giúp cho cuộc trò chuyện của chúng ta trở nên thoải mái và không rơi vào ngõ cụt.
Không chỉ mỗi cá nhân mới sử dụng bài test DISC mà công cụ này còn được rất nhiều công ty và tổ chức sử dụng để đo lường phong cách hành vi của nhân viên. Thông qua kết quả bài test, người sử dụng lao động có thể tìm hiểu rõ hơn về nhân viên của mình và phân công họ vào những vị trí phù hợp. Đồng thời, bài test DISC còn giúp cải thiện văn hóa nơi làm việc và giảm bớt căng thẳng.
Cấu trúc bài test gồm 24 đến 28 câu hỏi và thường kéo dài trong khoảng 7-10 phút. Hiện tại, có hơn 40 triệu người trên khắp thế giới đã hoàn thành bài test DISC trực tuyến, trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu người tham gia đánh giá. Như vậy bạn có thể thấy độ uy tín của bài test này rồi chứ?
Nguồn gốc bài test DISC
Những gì mà chúng ta được biết ngày nay về nguồn gốc của bài test DISC là: Trắc nghiệm DISC dựa trên lý thuyết mô hình DISC của William Moulton Marston, còn Walter Clarke mới là người tạo ra bài trắc nghiệm này.
Thế nhưng, sự thật là lý thuyết cơ bản hình thành nên 4 nhóm tính cách DISC có nguồn gốc từ năm 444 trước Công nguyên. Để nói rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi sẽ chia lịch sử hình thành theo 4 giai đoạn như sau:
1. Giai đoạn TCN
Lịch sử của DISC bắt nguồn từ 4 nguyên tố là Lửa, Không khí, Đất và Nước. Lý thuyết này được hình thành bởi Empodocles vào năm 444 TCN. Ông nhận ra rằng mọi người dường như hành động theo 4 cách rõ ràng khác nhau, nhưng thay vì quy nó vào các yếu tố bên trong, ông tin rằng đó là do tác động của môi trường bên ngoài.
Đến năm 200 TCN, lịch sử của DISC tiến thêm một bước phát triển mới, khi 4 nhóm hành động này chuyển từ các yếu tố môi trường sang các yếu tố bên trong. Bác sĩ Galen đã đưa ra 4 thuật ngữ là Choleric, Phlegmatic, Melancholic và Sanguine để mô tả bốn chiều nhân cách của con người.
2. Carl Jung & Bài kiểm tra tính cách Myers-Briggs
Từ đó, lịch sử của DISC bẵng đi một khoảng thời gian khá dài. Mặc dù bản thân lĩnh vực tâm lý học đã có nhiều tiến bộ, nhưng phải đến năm 1921, Carl Gustav Jung mới kiểm tra lại các kiểu hành vi này. Jung nhận ra rằng mặc dù phong cách tính cách thực sự mang tính nội tại, nhưng sự khác biệt trong tính cách là do cách chúng ta suy nghĩ và xử lý thông tin.
4 phong cách mà ông đưa ra là Thinking (Tư duy), Feeling (Cảm nhận), Sensation (Tri giác ) và Intuition (Trực giác). Chúng được sử dụng trong bài test trắc nghiệm tính cách MBTI mà chúng ta biết đến ngày nay. Và do đó, lịch sử của DISC lại tiến thêm một bước nữa.
3. William Moulton Marston & Lý thuyết mô hình DISC
Nói một chút về William Moulton Marston, ông là một người rất đa tài. Ông vừa là Tiến sĩ tâm lý học, vừa là luật sư. Ông cũng từng có thời gian giảng dạy tại Đại học American và Đại học Tufts. Và chính Marston là người đầu tiên phát minh ra bài kiểm tra máy phát hiện nói dối.
Đóng góp vĩ đại nhất của ông đối với ngành tâm lý học là việc đưa ra lý thuyết về mô hình DISC vào năm 1928 trong cuốn sách The Emotions of Normal People (tạm dịch: Cảm xúc của người bình thường), dựa trên công trình nghiên cứu của Carl Jung.
Sau khi bắt tay vào công cuộc tiến hành nghiên cứu cảm xúc của con người, Tiến sĩ William Moulton Marston nhận thấy rằng phong cách tính cách của chúng ta vừa mang tính nội tại vừa mang tính bẩm sinh, nhưng lại bị tác động phần lớn bởi môi trường bên ngoài.
Ông đã định nghĩa lại những đặc điểm tính cách có thể được hình thành từ 4 loại hành vi: Thống trị (D), Ảnh hưởng (I), Ổn định (S) và Tuân thủ (C) mà chúng ta vẫn sử dụng trong các bài kiểm tra tính cách DISC ngày nay.
4. Walter Clark & Bài test DISC đầu tiên
Lịch sử của DISC không đi đến trạng thái hiện tại cho đến năm 1956. Năm 1956, Walter Vernon Clark lấy lý thuyết DISC của William Moulton Marston và phát triển thành bài test DISC đầu tiên nhằm mục đích giúp nhà tuyển dụng lựa chọn được những nhân viên có năng lực. Như vậy có thể nói Walter Vernon Clark mới thực sự là cha đẻ của đánh giá DISC mà chúng ta biết đến ngày nay.
Walter Clark đã xây dựng bài test bằng cách đưa ra bảng Activity Vector Analysis. Bảng này gồm một loạt các tính từ miêu tả tính cách, và ứng viên được yêu cầu chọn những tính từ mô tả chính xác nhất về bản thân họ.
Vai trò của DISC trong tuyển dụng và quản lý nhân sự
Việc sử dụng bài test trắc nghiệm DISC sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về đặc điểm tính cách cũng như điểm mạnh/yếu của từng cá nhân, đồng thời còn đánh giá được phản ứng của họ khi đối mặt với thử thách hoặc khi làm việc nhóm.
Điều này không chỉ có lợi cho HR trong việc lựa chọn ứng viên phù hợp, mà còn có lợi cho cả các nhà quản lý nói chung.
Đối với người chưa có kinh nghiệm lãnh đạo, việc trở thành nhà quản lý có thể sẽ là một trải nghiệm vô cùng áp lực. Biểu đồ DISC sẽ giúp bạn nhanh chóng định hình được phong cách lãnh đạo của riêng mình. Ngoài ra, nhà quản lý còn có thể dựa vào biểu đồ DISC của từng nhân viên để đưa ra chiến lược làm việc hiệu quả cho team của mình.
Ngược lại, nhân viên cũng có quyền xem xét biểu đồ tính cách DISC của sếp. Điều này là khá cần thiết nếu như công ty muốn tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả. Giả sử sếp của bạn thuộc nhóm tính cách thống trị (D), bạn và những nhân viên khác sẽ tự khắc phải điều chỉnh phong cách làm việc và đẩy nhanh tiến độ mà không cần sếp phải nhắc nhở. Có như vậy thì đôi bên mới làm việc lâu dài với nhau được.
Một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ sẽ sử dụng bài test DISC để hướng dẫn nhân viên kinh doanh của mình biết cách đọc vị phong cách mua hàng của từng người. Giả sử bạn mới được tuyển dụng vào vị trí nhân viên bán xe, ban đầu bạn sẽ được quản lý training một khóa đào tạo ngắn để quan sát xem đâu là khách khó tính, đâu là khách dễ tính, người kẹt xỉ có đặc điểm như thế nào, người hào phóng mua hàng ra sao,… Từ đó bạn sẽ phải tự điều chỉnh phong cách bán hàng của riêng mình để làm hài lòng khách hàng khách đến, vừa lòng khách đi.
12 nhóm tính cách của DISC
Mỗi người trong chúng ta đều có đủ 4 nhóm tính cách D, I, S, C với mức độ khác nhau. Khi phân tích biểu đồ DISC để xác định tính cách điển hình của từng người, chúng ta sẽ chọn ra 1 hoặc 2 nhóm tính cách chiếm phần trăm cao nhất. Như vậy kết quả bài test DISC sẽ thuộc một trong 12 trường hợp sau:
1. Người chiến thắng (D)
Họ là những người có ý chí mạnh mẽ, tự chủ và độc lập. Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, và rất có thể trong tương lai, họ sẽ trở thành một nhà lãnh đạo xuất chúng.
Một số nghề nghiệp phù hợp với người thuộc nhóm tính cách D là:
- Giám đốc điều hành (CEO);
- Doanh nhân;
- Luật sư;
- Cảnh sát;
- Môi giới chứng khoán,…
2. Người thách thức (DC)
Kiểu nhân cách DC có tính thống trị (D) bị ảnh hưởng bởi sự tận tâm (C). Do đó, họ có xu hướng trở thành nhà lãnh đạo tập trung vào thách thức, kết quả và độ chính xác.
Những người thách thức nên làm việc chậm lại và dành thời gian để lắng nghe ý kiến của những người khác trong team. Thay vì tập trung vào sự hài lòng tức thì của những chiến thắng ngắn hạn, DC nên lùi lại một bước và quan tâm đến những lợi ích lâu dài.
Một số nghề nghiệp phù hợp với người thuộc nhóm tính cách DC là:
- Kiến trúc sư;
- Luật sư;
- Bác sĩ;
- Quản lý dự án,…
3. Người tìm kiếm (DI)
Tính cách kiểu DI có xu hướng hành động và nhiệt tình. Họ có xu hướng mang đến sự sáng tạo và đổi mới cho môi trường làm việc, luôn tìm kiếm những ý tưởng mới mẻ. Những người tìm kiếm có xu hướng làm việc tốt theo nhóm với tiến độ làm việc khẩn trương và có định hướng rõ ràng.
Vì họ không quan trọng tiểu tiết nên những nghề nghiệp yêu cầu sự tập trung vào các chi tiết nhỏ sẽ không phù hợp với họ. DI phát triển tốt trong môi trường có nhiều sự thay đổi, hứng thú và tự phát hơn là những môi trường có nhịp độ chậm và tẻ nhạt.
Một số nghề nghiệp phù hợp với người thuộc nhóm tính cách DI là:
- Giám đốc sáng tạo;
- Nhà báo;
- Nhân viên tiếp thị;
- Diễn viên,…
4. Người Chấp nhận rủi ro (ID)
Tương tự như nhóm tích cách DI, những người rơi thuộc nhóm ID có đặc điểm là người thích mạo hiểm và táo bạo. Họ là người dám nghĩ dám làm hoặc có đầu óc kinh doanh. Cả hai phong cách đều có chung đặc điểm là hướng đến hành động. Tuy nhiên, một người có phong cách ID sẽ nghiêng về việc tập trung vào mối quan hệ hơn là nhiệm vụ, còn người có phong cách DI sẽ tập trung nhiều vào một nhiệm vụ hơn là một mối quan hệ.
Gợi ý việc làm cho nhóm ID khá giống với gợi ý việc làm cho nhóm D.
5. Người Nhiệt tình (I)
Những người có tính cách này thường năng nổ và hòa đồng. Họ là những người có thể nghĩ đến điều tích cực ngay cả trong tình huống khó khăn, do đó họ có khả năng giao tiếp tốt ở nơi làm việc.
Người nhiệt tình sẽ không phù hợp với những nghề nghiệp tập trung quá nhiều vào quy trình và cấu trúc. Họ nên chọn:
- Giám đốc sáng tạo;
- Thiết kế đồ họa;
- Quan hệ công chúng;
- Môi giới nhà đất;
- Đại lý du lịch,…
6. Người Bạn (IS)
IS là những người biết lắng nghe và đồng cảm. Mục tiêu chính của họ là thúc đẩy người khác và giúp họ phát triển trong khả năng của mình. Họ cảm thấy hài lòng nhất khi tương tác với những người xung quanh và thường sử dụng lòng tốt của mình để xây dựng các mối quan hệ bền chặt.
Tuy nhiên, họ có thể gặp khó khăn khi đưa ra các quyết định hoặc kế hoạch hợp lý.
Các nghề nghiệp phù hợp với IS là:
- Copywriter;
- Linh mục;
- Quan hệ công chúng;
- Sale;
- Giáo viên,…
7. Người Cộng tác (SI)
SI là sự kết hợp giữa sự ổn định (S) với ảnh hưởng (I). Họ xuất sắc trong việc gắn kết các thành viên trong nhóm lại với nhau để làm việc hiệu quả hơn. Họ có xu hướng đồng cảm, biết lắng nghe và quan tâm đến cảm xúc của các thành viên trong nhóm.
Do những phẩm chất này, SI thích hợp hoạt động theo nhóm và có thể phát triển thành những nhà lãnh đạo tuyệt vời. Họ có thể làm việc độc lập nhưng luôn phải có cộng tác với những người khác.
Các nghề nghiệp có thể phù hợp với SI là:
- Cố vấn học tập;
- Nhân viên tư vấn;
- Quản trị nhân lực;
- Giáo viên;
- Nhà trị liệu,…
8. Người hòa giải (S)
Nhóm này thường đóng vai trò là cầu nối giữa người quản lý và đồng nghiệp của họ, bởi vì họ có khả năng hiểu tất cả các khía cạnh của một tình huống. Họ là những người biết lắng nghe, điều này khiến họ trở thành những người hòa giải hiệu quả.
Người hòa giải (S) là những người chu đáo và luôn cân nhắc trong mọi hành động của họ. Họ không có khả năng chấp nhận rủi ro, bất kể lợi ích mà nó mang lại lớn đến cỡ nào. Nhóm này thích một môi trường làm việc có nhịp độ chậm hơn.
Nghề nghiệp phù hợp cho nhóm tính cách S là:
- Dịch vụ khách hàng;
- Nhân viên tư vấn;
- Giám đốc nhân sự;
- Y tá;
- Nhà trị liệu,…
9. Kỹ thuật viên (SC)
Tính cách SC kết hợp sự kiên định (S) với sự tận tâm (C). Họ đặc biệt thích lập kế hoạch và lập ra các quy tắc, hướng dẫn. Người có tính cách SC thường được mô tả là người điềm đạm và đáng tin cậy.
Những công việc đòi hỏi mức độ tỉ mỉ cao sẽ phù hợp với SC nhất, ví dụ như:
- Kế toán viên;
- Nhà phân tích dữ liệu;
- Dược sĩ;
- QC;
- Nhà khoa học,…
10. Nhà phân tích (C)
Họ là những người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Nhà phân tích có xu hướng rất logic và không dễ bị cảm xúc chi phối, điều này có thể có lợi khi làm việc theo nhóm.
Họ rất tập trung và sâu sắc, nhưng họ yêu cầu các dự án phải thu hút được sự quan tâm của họ. Cho dù nghiên cứu một chủ đề mới hay phân tích một tập dữ liệu quan trọng, họ đều có thể làm việc rất hiệu quả và kỹ lưỡng, đặc biệt là khi họ được làm những gì mình yêu thích.
Tính cách C thiên về môi trường làm việc có nhịp độ chậm hơn, chẳng hạn như:
- Lập trình máy tính;
- Phân tích đầu tư;
- Nhà nghiên cứu;
- Nhà khoa học,…
11. Người làm nền tảng (CS)
Tính cách CS nhấn mạnh đến sự tận tâm (C) và chịu ảnh hưởng của tính ổn định (S). Họ là người rất có trách nhiệm.
Nhóm này có thể là người nhút nhát. Họ có thể cảm thấy thoải mái hơn khi không phải đặt câu hỏi, vì vậy nếu nhân viên của bạn thuộc kiểu CS, hãy lưu ý khi đưa ra hướng dẫn.
Một số nghề nghiệp phù hợp với người thuộc kiểu CS là:
- Kiểm soát viên không lưu;
- Quản trị cơ sở dữ liệu;
- Nhà khoa học nghiên cứu;
- Quản trị hệ thống,…
12. Người cầu toàn (CD)
Tính cách CD thể hiện sự kết hợp giữa các đặc điểm tận tâm (C) và thống trị (D). Kiểu tính cách này sẽ quyết đoán ở nơi làm việc. Họ thường là người quản lý, họ đặt ra các tiêu chuẩn cao và sẽ tham gia thảo luận gay gắt với nhân viên nếu kỳ vọng không được đáp ứng.
Nếu như bạn thuộc nhóm tính cách CD, hãy xem xét cách quản lý của mình. Bạn cần mềm mỏng hơn trong việc truyền đạt vấn đề cho nhân viên để khuyến khích họ làm tốt hơn trong tương lai.
Những nghề nghiệp có thể phù hợp với kiểu tính cách CD là:
- Kiến trúc sư;
- Chiến gia tư vấn kinh doanh;
- Giám đốc tài chính (CFO);
- Người quản lý;
- Bác sĩ,…
Mỗi kiểu tính cách đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Biết mình thuộc loại tính cách nào có thể giúp bạn đến gần với thành công trong cuộc sống và công việc. Bạn đã thử làm bài test DISC chưa?